TẬP NGÔN NGỮ CHO BỆNH NHÂN SAU ĐỘT QUỴ – DÀNH CHO NGƯỜI NHÀ BỆNH NHÂN
Nếu người thân của bạn bị rối loạn ngôn ngữ đang vật lộn với việc nói, hãy làm những điều sau:
1) Hãy giúp người bệnh hát những bài hát quen thuộc, có thể các bài hát từ thời thơ ấu. Tìm kiếm bài hát trên Youtube những bài hát yêu thích, nghe và hát theo. Âm nhạc có sức mạnh tuyệt vời trong phục hồi ngôn ngữ.
2) Dùng nhiều tấm ảnh về nơi chốn, sự kiện, sản phẩm, người mà có thể người bệnh đã từng biết, sử dụng chúng như một công cụ để tập luyện.
3) Về sự mong đợi bạn muốn người bệnh làm, bạn phải làm mẫu những điều bạn muốn. Nếu bạn muốn người thân của bạn vẽ, bạn phải vẽ; nếu muốn họ dùng cử chỉ, hãy chỉ cho họ.
4) Hãy sử dụng điện thoại video như facetime, zalo… khi gọi điện để có thể sử dụng biểu cảm khuôn mặt và cử chỉ cơ thể.
5) Dán nhãn, tên các vật dụng quanh nhà bằng giấy ghi chú để người thân của bạn có thể luyện nói hoặc đọc to.
6) Thiết lập chủ đề trước để biết người thân của bạn đang muốn cố gắng nói điều gì: “đây là điều anh/chị/em… muốn nói”. VD: nói đến thành viên trong gia đình, sinh hoạt hàng ngày (rửa mặt, đánh răng, đi tiểu, đi cầu…)
7) Lập danh sách thành viên trong gia đình để tham khảo nhanh.
8) Khuyến khích họ đếm, bắt đầu với 1 (“1, 2, 3, 4, 5 ngày ở trong bệnh viện”), hoặc ngày trong tuần, tháng trong năm. Khuyến khích tự động nói như thế có thể dễ dàng hơn.
9) Bạn nói lớn một từ nào đó, yêu cầu người bệnh nói theo và bắt chước vận động của bạn đi theo lời nói.
10) Hãy kiên nhẫn, dành nhiều thời gian, kiên nhẫn chờ đợi. Điều này không dễ, đặc biệt thời gian diễn ra kéo dài, nhưng rất ý nghĩa với người thân của bạn bị rối loạn ngôn ngữ.
Nếu người thân của bạn là người rối loạn ngôn ngữ đang cố gắng để hiểu:
11) Hãy nói chậm và rõ ràng với những câu đơn giản, nhưng đừng sử dụng kiểu nói trẻ con hoặc nói nhỏ.
12) Viết ra những từ quan trọng khi bạn nói để nâng cao khả năng hiểu của bệnh nhân. Có thể sử dụng lịch hoặc bản đồ khi nói về ngày tháng hoặc nơi chốn để được hỗ trợ trực quan hơn.
13) Hãy tắt tivi hoặc những âm thanh khác khi nói chuyện để hạn chế sự mất tập trung.
14) Dùng nhiều biểu tượng cảm xúc khi dùng tin nhắn cho người bệnh.
15) Bật phụ đề trên TV để các từ xuất hiện cùng với âm thanh.
16) Sử dụng công cụ hỗ trợ như sách điện tử để hỗ trợ dễ hiểu hơn.
17) Đọc sách hoặc thơ thiếu nhi cùng với người bệnh (đọc lớn), chú ý vào ngữ điệu, nhịp điệu.
18) Sử dụng một tệp tin (file) hoặc kho dữ liệu để sẵn sàng in cho bệnh nhân đọc.
19) Thảo luận về một tiêu đề hoặc hình ảnh trên một tờ báo để bệnh nhân biết thời sự đang diễn ra vừa là luyện tập cho bớt sự nhàm chán khi tập.
20) Sử dụng chức năng để nói những gì muốn viết và chức năng chuyển văn bản thành giọng nói rồi có thể đọc to theo.
Nếu bệnh nhân thấy nản chí vì giao tiếp bị đứt đoạn:
21) Khuyến khích họ nghỉ một chút khi thấy mệt mỏi. Mệt mỏi thần kinh là chắc chắn xảy ra và một chút nghỉ ngơi sẽ có lợi và dễ lấy lại sự tập trung.
22) Quay video hoặc ghi nhật ký hàng ngày để ghi nhận, không bỏ lỡ quá trình tiến triển tốt lên hàng ngày.
23) Tìm cách để bệnh nhân dành thời gian chơi với thú cưng, chúng luôn đầy năng lượng phục hồi và không bao giờ phán xét.
24) Hãy nói “tôi biết anh/em/ba/mẹ muốn gì” khi bệnh nhân cố gắng nói gì đó.
25) Thừa nhận bạn chưa hiểu và đề nghị nếu như có thể thì sẽ trở lại nói vấn đề này sau.
Nếu bạn muốn cải thiện khả năng tự chủ của bệnh nhân:
26) Khuyến khích sự độc lập nhất có thể. Đừng làm quá nhiều, khi bệnh nhân có thể làm được, tạo nên sự phụ thuộc không cần thiết, điều này tạo ra cái gọi là “học cách bất lực”
27) Thay vì điền một từ, hãy hỏi bệnh nhân có muốn giúp không.
28) Thay vì trả lời giúp bệnh nhân, hãy cho họ thêm thời gian hoặc trợ giúp cách trả lời.
29) Đừng để mọi người ở xa, chỉ nói chuyện với bạn hoặc hành động giống như không có mặt bệnh nhân ở đó. Mọi người nên trở thành một phần của cuộc trò chuyện, hỗ trợ thêm để bệnh nhân có thể hiểu và tham gia.
30) Tạo một tấm card để giải thích về rối loạn ngôn ngữ và làm thế nào để có thể giúp cho tốt nhất. Bệnh nhân tự tìm cách giải quyết vấn đề dựa trên những hiểu biết sẽ là một cách tập luyện tốt.
Tạo nên nhiều thời gian nhất cùng nhau:
31) Cười, tiếng cười là liều thuốc tốt, vì vậy hãy cùng xem những video hài, truyện cười hoặc đơn giản là tìm cách cùng nhau cười với những đứa con…
32) Kết nối online hoặc tạo một nhóm người cùng mắc chứng rối loạn ngôn ngữ và những người chăm sóc họ để thấy rằng mình không đơn độc. Kết nối nhóm phục hồi ngôn ngữ là một nhóm online rất tốt.
33) Hãy chơi những game online vui cùng nhau, nghĩ về trò chơi như luyện trí nhớ nếu có thể.
34) Hãy hồi tưởng bằng các bức ảnh cũ, câu chuyện cũ, những khoảng thời gian đẹp trong quá khứ.
35) Cùng nhau nấu ăn hoặc thực hiện công việc gì đó, lôi kéo bệnh nhân theo nhiều bước nhất có thể để thực hành theo hướng dẫn, ghi nhận theo trình tự, và phải cảm thấy việc đó hữu ích.
36) Hãy đi dạo cùng nhau hoặc hoạt động gì đó. Tăng tuần hoàn não rất tốt cho việc chữa bệnh và không khí trong lành sẽ tốt cho tâm hồn.
37) Hãy cùng nhau tìm hiểu về đột quỵ và rối loạn ngôn ngữ. Đây là khái niệm có khi đáng sợ và người bệnh không thể đọc và nghiên cứu về nó, hãy chia sẻ những gì bạn đã học được với những thông tin tích cực và có tính khuyến khích.
38) Tìm hoạt động mới mà không phụ thuộc giao tiếp, để bạn và người bệnh ở cạnh nhau mà không chịu áp lực nào.
39) Nhận thấy khi nào cuộc sống quá bực bội, hãy cùng người bệnh hít thở thật sâu.
40) Học cách biết ơn. Cùng với người bệnh suy ngẫm về những gì vẫn còn diễn ra tốt đẹp và hãy đánh giá cao về khả năng của bệnh nhân vẫn làm điều tốt đẹp.
41) Ăn mừng những chiến thắng nhỏ của bệnh nhân – một cuộc gọi điện người bệnh đã thực hiện được, 3 từ ghép lại được với nhau, một cuốn tiểu thuyết mà người bệnh đã đọc hoàn thành – một thành tích dù nhỏ cũng đáng được ghi nhận và cổ vũ.
Hãy hồi tưởng bằng các bức ảnh cũ, câu chuyện cũ, những khoảng thời gian đẹp trong quá khứ, điều này giúp người bệnh tiếp thu tốt hơn, tăng hiệu quả luyện tập
Nếu người bệnh muốn cải thiện kỹ năng ngôn ngữ hơn:
42) Tìm động lực để thúc đẩy người bệnh và nỗ lực hướng tới điều này. Quay trở lại câu lạc bộ trước đây đã tham gia, thử đọc diễn văn trong đám cưới con gái, kể chuyện cho cháu nghe… Hãy đặt những mục tiêu để hướng tới, chia nhiệm vụ thành những bước nhỏ để có thể dần dần đạt được.
43) Nhắc lại những từ người bệnh đã nói, tìm cách mở rộng từ ngữ đó. VD: “Đói” => “tôi thấy đói” hoặc “nước” => “tôi muốn uống nước”…
44) Đặt báo thức nhắc nhở đến giờ tập. Hãy đặt hẹn giờ tập trong 20 phút để chắc chắn tập đủ thời gian.
45) Khuyến khích sự độc lập trong khi nói một cụm từ hoặc thực hiện một việc. Có thể làm khi có sự hỗ trợ của bạn, yêu cầu bệnh nhân làm khi bạn quan sát và họ tự làm.
46) Khuyến khích người bệnh đọc to bất kể khi nào có thể. Hãy cùng đồng thanh khi có thể để tăng sự giúp đỡ họ.
47) Có thể sử dụng trợ giúp của kỹ thuật số như Google để luyện tập các câu hỏi.
48) Điều trị tốt nhất cho nói được là phải nói. Hãy duy trì các cuộc hội thoại liên tục. Hãy luôn tìm những chủ mới để nói về nó.
49) Tập ngôn ngữ rất quan trọng. Hãy tìm cơ sở tốt nhất, chuyên gia ngôn ngữ tốt nhất để trợ giúp việc tập luyện.
Đừng quên:
50) Hãy tự chăm sóc tốt bản thân. Chỉ có năng lượng tốt, không nản chí mới giúp được người bệnh tốt nhất. Và hãy duy trì nhiều người có thể hiểu biết và trợ giúp người bệnh.
http://benhvien115.com.vn/tu-van-bac-si/phuc-hoi-roi-loan-ngon-ngu-cho-benh-nhan-dot-quy/20210205084859580
BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng
Trưởng khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng
Bệnh viện Nhân dân 115