ĐAU ĐẦU MIGRAIN – TRIỆU CHỨNG VÀ PHÂN LOẠI
Migraine là một bệnh lý đau đầu tự phát, ở nước ta gọi là đau nửa đầu, bán đầu thống với các đặc tính cơ bản đau nửa đầu từng cơn, cường độ từ vừa phải đến đau dữ dội, thường khu trú, đau theo mạch đập, đau gia tăng khi hoạt động thể lực,đau tái diễn có chu kỳ, kèm theo buồn nôn hoặc nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn, có thể kèm theo mù mắt tạm thời. Ngoài cơn bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
I. PHÂN LOẠI MIGRAINE:
1. Migraine thể thông thường
2. Migraine thể cổ điển
o Thể cổ điển với cơn đau điển hình
o Thể cổ điển không có đau đầu.
o Thể cổ điển kèm liệt nửa người có tính gia đình.
o Thể cổ điển nền
o Migrain liệt vận nhãn
o Migraine võng mạc
o Migrain cấp tính
3. Migraine ở trẻ nhỏ với các triệu chứng không điển hình mang tính chất dự báo
o Nôn chu kỳ
o Đau bụng
o Cơn chóng mặt bộc phát có tính chu kỳ ở tuổi thiếu niên
4.Migraine khác.
o Migraine kèm nhồi máu não
o Migrain bụng
o Trạng thái Migrain
II. DỊCH TỂ HỌC
1. Tần suất:
Migrain là một trong những thể đau đầu thường gặp nhất. Tỉ lệ mắc bệnh 6.12% dân số, nam từ 4-6 %, nữ từ 13-17%. Tuổi mắc bệnh từ thiếu niên và tăng đến 40 tuổi, sau đó giảm dần. Tuổi thường gặp nhất là từ 35 đến 45 tuổi, đa số khởi phát bệnh trước 30 tuổi.
2.Yếu tố gia đình:
Theo y văn, yếu tố gia đình chiếm 35-61% các trường hợp (Fluminage, wolff, Leennox), 72 % trường hợp di truyền từ mẹ. Nếu cha hoặc mẹ bệnh thì 44% con mắc bệnh, cả cha và mẹ bị Migraine thì 70% số con mắc bệnh.
3.Những yếu tố khởi phát bệnh:
Nhiều tác giả ghi nhận 60-80 % các trường hợp Migraine có các yếu tố khởi phát rõ, các yếu tố này có thể độc lập hoặc kết hợp với nhau:
– Yếu tố tâm lý: stress tâm lý, trạng thái lo âu, buồn phiền…
– Yếu tố nội tiết: chu kí kinh nguyệt, tuổi dậy thì, tiền mãn kinh, dùng thuốc ngừa thai đều làm tăng cơn Migraine hay làm rõ tính chất chu kì của bệnh. Ngược lại Migraine hiếm gặp thời kì thai và thời kì mãn kinh.
– Yếu tố môi trường: Sự thay đổi thời tiết, khí hậu đều ảnh hưởng đến tăng hay giảm dần số cơn Migraine. Nghiên cứu về dân cư nghề nghiệp, chỗ ở không thấy ảnh hưởng đến Migraine.
Ánh sáng, tiếng động, mùi vị, các chất thải đều có ảnh hưởng đến Migraine.
Những bệnh lý nội khoa mãn tính đều ảnh hưởng đến tần số cơn hoặc mức độ nặng của bệnh: rối loạn tiêu hoá, bệnh hô hấp, tăng huyết áp. Một số thức ăn có thể ảnh hưởng đến Migraine: Rượu, chocolate, format, bơm, ăn đồ lạnh, chất kích thích. Thuốc : Reserpine, histamin, thuốc ngừa thai.
Các yếu tố khác: chấn thương sọ, rối loạn giấc ngủ, ăn uống kém, hạ đường huyết, mệt mỏi.
III. LÂM SÀNG:
Đặc tính cơ bản của Migraine là đau nửa đầu, từng cơn, cơn đau đạt cường độ cao trong thời gian ngắn và có tính chất gia đình.
Thời gian trung bình của cơn đau là 18 giờ, lặp lại trung bình 1tháng 1 lần.
1.Migraine thông thường: loại này chiếm 70% các trường hợp Migaine.
Tiền triệu (Aura)
– Xảy ra trước ít giờ đến một ngày trước khi xuất hiện cơn vào buổi sáng hay buổi tối.
– Rối loạn thể chất, thay đổi khí sắc, vui buồn, trầm cảm.
– Mệt mỏi, ngủ gà.
– Rối loạn tiêu hoá: chán ăn, đầy hơi, đói, no…..
Đặc điểm
Thường bắt đầu vào buổi sáng và đạt cường độ tối đa trong ít phút (cường độ đau thay đổi ở mỗi bệnh nhân). Thời gian cơn kéo dài cũng rất khác nhau, thường kết thúc trong ngày nhưng cũng có thể kéo dài vài ngày, một ngày có thể có nhiều cơn, hết cơn BN không còn cảm giác đau.
Thường dữ dội buộc BN phải ngưng mọi công việc, đau tăng khi gắng sức, có ánh sáng và tiếng ồn, sau khi cơn cảm giác sợ cơn tiếp theo. Đau thường kèm nhịp mạch hoặc đau kéo dài
Khởi phát là vùng chẩm lan ra phía trước, đặc biệt hốc mắt.
Triệu chứng kèm theo
– Nôn hoặc buồn nôn (phân biệt với hệ tiêu hoá)
– Thay đổi tính tình, cáu gắt, khó tập trung trí nhớ với cảm giác” đầu trống rỗng”
– Rối loạn vận mạch ở mặt.
– Đau động mạch thái dương bên đau.
Tiến triển
– Đau thành cơn kịch phát, hồi qui và có chu kì khác nhau.
– Thường xảy ra trước chu kì kinh nguyệt, ngưng thời kì có thai và mãn kinh.
– Có thể chuyển thành Migraine cổ điển kèm dấu thần kinh cục bộ.
– Có thề chuyển thành trạng thái Migraine.
2. Migraine cổ điển:
Thể lâm sàng này hiếm gặp, nhưng nếu gặp rất dễ phân biệt; các tiền triệu gần xuất hiện cơn trong vòng 30 phút. Các dấu hiệu này là những rối loạn chức năng tạm thời của não và được gọi là aura theo thứ tự ít gặp như sau:
a. Aura thị giác: còn gọi là Migraine mắt thường gặp nhất, với ám điểm lấp lánh như những đom đóm; xuất hiện trung tâm nhìn sau đó lan rộng ra ngoại vi; thị trường di chuyển chậm; có hình gãy khúc, để lại ám điểm cản trở. Ngoài ra còn có ám điểm lập loè, ảo giác, bán manh. Thời gian aura thị giác kéo dài 5-30 phút và mất đi khi đau đầu xuất hiện.
b. Aura cảm giác:
– Dị cảm một bên tay-miệng hay là những biểu hiện mà trước đó không có. Dị cảm tăng dần có thể theo lộ trình hoặc rối loạn tri giác cơ thể, cảm giác kiến bò, điện chạy.
– Tính lập lại của aura này sẽ gợi ý tiến triển của Migraine .
c. Aura ngôn ngữ:
– Ít khi thấy đơn độc, BN xuất hiện nói khó hay mất ngôn ngữ giác quan kèm mất viết, nói từ ngữ vô nghĩa khó hiểu, rối loạn ngôn ngữ khó hiểu, rối loạn ngôn ngữ có thể kèm rối loạn cảm giác hay vận động.
d. Aura vận động:
– Liệt khu trú ở mức độ nhẹ, thoáng qua, yếu ngọn chi hơn gốc chi, đôi khi có liệt tạm thời ½ người, một vài trường hợp rối loạn vận động kiểu lộ trình cơn động kinh BJ. Cơn kéo dài phút đến vài chục phút và mất dần khi đau đầu xuất hiện.
e.Tiến triển của Migrain cổ điển
– Các dấu hiệu báo truớc xảy ra từ đầu, nó biến đổi một ít rồi tăng dần và thêm các triệu chứng khác. Sự lan toả trong phạm vi cùng một nhóm triệu chứng hoặc liên kết các nhóm triệu chứng lại tạo thành hành trình đặc biệt của Migraine mà bệnh nhân mô tả ở cơn sau. Các triệu chứng trên kéo dài vài chục phút rồi giảm dần sau đó xuất hiện cơn đau đầu. Đau đầu cùng bên hoặc khác bên với bên aura, một số ít trường hợp có dấu hiệu báo trứơc nhưng lại không có cơn đau đầu.
– Các dạng Migraine có aura có thể gặp:
+ Thể điển hình như đã mô tả ở trên.
+ Migraine có aura nhung không có đau đầu, dấu hiệu báo trước rối loạn vận động, cảm giác, liệt ½ người, mù mắt kéo dài vài chục phútsau đó hết, có hoặc không có đau đầu thường gặp ở BN Nam 40 tuổi.
+ Migraine liệt ½ người gia đình.
+ Migraine nền: thường gặp ở phụ nữ trẻ có tính gia đình rõ, aura biểu hiện rối loạn vận mạch thân nền, chi phối rối loạn thị giác là chủ yếu, những cơn thị giác rất đặc biệt với cảm giác loé sáng sau mù một hoặc 2 mắt, chóng mặt, mất thăng bằng.
+ Migraine có aura kéo dài là một hay nhiều triệu chứng kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày, sau phục hồi hoàn toàn.
+ Migraine liệt vận nhãn là đau đầu kèm liệt tạm thời dây III, IV.
+ Migraine võng mạc: aura là những cơn ám điểm thoáng qua, BN cảm giác tối hay mù kéo dài có khi đến 60 phút, sau phục hồi hoàn toàn, tiếp theo là cơn đau đầu.
+ Migraine có aura cấp: giai đoạn triệu chứng báo trước <4 phút tiếp theo là đau dữ dội ½ đầu.
3.Trạng thái Migraine:
– Đau đầu liên tục dữ dội trong nhiều giờ (72 giờ) dẫn đến trạng thái mất nước và suy sụp thể chất nghiêm trọng. Có thể cơn đau đầu,nôn dữ dội kèm chóng mặt, nôn các cơn liên tiếp nhau gây ra rối loạn nước điện giải. Tiền sử đã có cơn tương tự. Có thể do điều trị Migraine với Dihydroergotamine quá liều. Tăng phản xạ gân cơ, rối loạn tâm thần phản ứng. Những BN này cần nhập viện để điều trị và xác định chẩn đoán.
4.Những loại Migraine khác:
– Nhồi máu não Migraine
– Migraine bụng: tăng co thắt, nôn nhiều, đau bụng, tiêu chảy,khó chịu, hồi hộp. Thời gian kéo dài giống như Migraine cổ điển.
IV. CẬN LÂM SÀNG:
1. Serotonine (5-hydroxytryptamine) 5-HT trong huyết thanh hoặc 5HT trong nước tiểu tăng trong và sau cơn.
2. Điện Não Đồ
V. CHẨN ĐOÁN:
Tiêu chuẩn chẩn đoán:
A. Đã có ít nhất 5 cơn đau đầu phù hợp với các tiêu chuẩn từ B đến D.
B. Đặc điểm:
1. Cơn đau kéo dài 4-72 giờ
2. Đau nửa đầu, đau theomạch đập.
3. Cường độ đau vừa phải đến đau dữ dội.
4. Đau tăng khi vận động thể lực.
C. Triệu chứng kèm theo:
Buồn nôn hoặc nôn.
Sợ ánh sáng, sợ tiếng động.
D.Tiêu chuẩn loại trừ:
Không tìm thấy các bệnh lý khác.
Ngoài tiêu chuẩn trên của Migraine thể thông thường (thể không có aura) còn có thêm:
– Có một hay nhiều triệu chứng aura tự phục hồi.
– Các triệu chứng aura không quá 1 giờ.
– Đau đầu xuất hiện sau aura không quá 1 giờ.
Chẩn đoán phân biệt:
Migraine thể thông thường cần phân biệt với:
– Đau đầu Cluster, Horton.
– Tăng huyết áp.
– Tăng áp lực nội sọ.
– U não.
– Bệnh lý Răng – Hàm – Mặt, Tai – Mũi – Họng, Mắt.
– Căn nguyên tâm lý.
– Sau chấn thương sọ.
Migraine thể cổ điển cần phân biệt với:
– Thiếu máu cục bộ thoáng qua.
– Động kinh cục bộ.
– Xuất huyết não.
– U não.
– Viêm động mạch.
VI. ĐIỀU TRỊ
ĐIỀU TRỊ CẮT CƠN
a. Lựa chọn hàng đầu
- Acetaminophenes
- Kháng viêm không steroids: Aspirin,Diclofenac,Ibuprofen,Naproxen.
- Triptans: Almotriptan, Eletriptan, Frovatriptan, Rizatriptan, Sulmatriptan, Zolmitriptan.
b. Lựa chọn thứ hai
- Dihydroergotamin.
- Opioids: Codeine, Tramadol, Meperidine.
- Thuốc chống nôn: Chlopromazine, Droperidol, Metoclopramide, Prochlorperazine.
- Thuốc khác: Ketorolac, Promethazine
ĐIỀU TRỊ NGĂN NGỪA CƠN
a. Lựa chọn hàng đầu: Divalproex,Topiramax,Metoprolol,Propanolol, Timolol.
b. Lựa chọn thứ hai: Amitryptilline,Venlafaxine,Atenolol,Nadolol
c. Ít hiệu quả hơn: Nebivolol, Bisoprolol, Pindolol, Carbamazepine, Gabapentine, Fluoxetin, Nicardipine, Verapamil, Nimodipine, Nifedipine, Lisinopril, Candesartan.
d. Không hiệu quả: Acebutolol, Oxcarbazepine, Lamotrigine, Telmisartan.
TRÁNH CƠN TÁI PHÁT
- Cơn đau đầu Migraine có một số yếu tố làm tăng cơn như một số thức ăn,căng thẳng tâm lý,uống rượu,nếu làm giảm yếu tố này thì cơn có thể giảm.
- Tránh các thuốc giãn mạch,thuốc ngừa thai có estrogen.
- Sinh hoạt,ăn uống,nghỉ ngơi điều độ.
- Tránh các thức ăn chứa tyramin,chocolate,rươu,bột ngọt,giới hạn sử dụng caffeine.
TÂM LÝ LIỆU PHÁP
- Muốn cho bệnh nhân an tâm tuân thủ điều trị,thấy thuốc giải thích cho bệnh nhân về một số vấn đề sau:
- Phải nói rõ cho bệnh nhân về khả năng điều trị để bệnh nhân bớt lo lắng (tuy không chữa hết bệnh nhưng có thể làm bệnh thuyên giảm một thời gian).
- Nếu điều trị phòng ngừa thì bệnh nhân cần kiên nhẫnđể tuân thủ điều trị trong nhiều tháng.
- Thay đổi cách sống cũng giúp bệnh thuyên giảm.
- Các phương pháp không dùng thuốc có thể có một phần tác dụng.
ĐIỀU TRỊ KHÔNG DÙNG THUỐC
- Liệu pháp thư giãn.
- Điều trị nhận thức hành vi.
- Nhiệt phản hồi sinh học.
- Châm cứu.
PHÒNG KHÁM YHCT-PHCN HOÀN XUÂN
PHỤ TRÁCH: BS CKII NGUYỄN XUÂN THẮNG
ĐỊA CHỈ: 52 VƯỜN LÀI, P. TÂN THÀNH, Q. TÂN PHÚ, TP. HCM
ĐT: 0903380057, 0986026355