Giờ làm việc: Thứ 2->Thứ 7: 15h-21h (Chủ nhật: Nghỉ)

090 338 00 57

LƯỢNG GIÁ TỔN THƯƠNG NGÔN NGỮ DO ĐỘT QUỴ

Khoảng 40% bệnh nhân đột quỵ não (tai biến mạch máu não) có rối loạn ngôn ngữ ở các mức độ khác nhau. Rối loạn ngôn ngữ do tổn thương vào các vùng có chức năng ngôn ngữ của não và tổn thương thần kinh chi phối các cơ, thành phần sinh ra tiếng nói.

CÁC THỂ BỆNH RỐI LOẠN NGÔN NGỮ SAU ĐỘT QUỴ VÀ BIỂU HIỆN:

+ Thể bệnh rối loạn ngôn ngữ diễn đạt (tổn thương vùng Broca): Hiểu được người khác nói hoặc hành động nhưng nói khó khăn, không nói được, cố gắng để nói, nói từ hoặc câu ngắn, nói nhát gừng, thường lặp lại một từ hoặc câu. Thường đi kèm với liệt vận động.

+ Thể bệnh rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận (tổn thương vùng Wernicke’s): Bệnh nhân không tiếp nhận được, không hiểu những gì người khác nói, nhưng bệnh nhân nói được, nói trôi chảy, nhưng có thể nói những từ hoặc những câu vô nghĩa hoặc những từ lạ.

+ Thể bệnh rối loạn ngôn ngữ toàn thể: Bao gồm tổn thương cả hai vùng trên, bệnh nhân không hiểu người khác nói và cũng không nói được.

+ Thể bệnh tổn thương vùng dẫn truyền: Là tổn thương vùng kết nối giữa vùng tiếp nhận và diễn đạt ngôn ngữ. Bệnh nhân hiểu được người khác nói, nói được nhưng nhắc lại khó khăn và tìm từ khó khăn.

+ Thể bệnh rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ: Hiểu, nói được lưu loát. Nhưng khi được hỏi thì phản ứng chậm, thường lặp lại một từ nào đó.

+ Thể bệnh rối loạn cảm giác xuyên vỏ: Khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ, có thể nói lưu loát, nhưng câu có thể không có ý nghĩa. Khả năng nhắc lại tốt

+ Thể bệnh rối loạn ngôn ngữ định danh: Nói lưu loát, hiểu được người khác. Nhưng khó định danh một số vật, hình ảnh. Cảm giác từ ở ngay đầu lưỡi nhưng phải dùng từ khác, cách khác để mô tả để mô tả. Ví dụ: Chỉ vào cái ly và yêu cầu bệnh nhân nói tên, bệnh nhân biết được, nhưng không nói ngay được “cái ly” mà dùng cách mô tả khác như: dùng để uống nước

+ Thể bệnh rối loạn ngôn ngữ vận động: Do ảnh hưởng chức năng thần kinh cơ của các cơ quan tạo ra âm thanh, như môi, miệng, lưỡi, các cơ vùng cổ, cơ hoành, khí quản, thanh quản. Biểu hiện thường là bệnh nhân bị đổi giọng trầm hoặc cao, nói nhỏ, nói thì thầm

LƯỢNG GIÁ BỆNH NHÂN:

ĐIỀU TRỊ:

Nguyên tắc điều trị:

+ Tập sớm: Nên tập ngay 24 giờ sau đột quỵ và duy trì tối đa trong 3 tháng đầu

+ Nhiều thành phần tham gia để cùng trợ giúp, khuyến khích tập luyện: Chuyên gia ngôn ngữ, chuyên gia tập phục hồi vận động, người thân của người bệnh, các nhân viên y tế khác, cộng đồng

+ Kiên trì, liên tục, không nản chí

Cơ chế hồi phục ngôn ngữ sau đột quỵ: Tái tổ chức lại não là cơ chế chính giúp phục hồi tổn thương ngôn ngữ sau đột quỵ. Những vùng não lành sẽ bù trừ hoạt động chức năng cho vùng não bị tổn thương, kết nối thêm các neuron thần kinh chưa sử dụng đi vào hoạt động. Quá trình này diễn ra tối đa nếu được tập luyện liên tục, đủ thời gian và đúng phương pháp, đặc biệt trong 3 tháng đầu sau đột quỵ.

Điều trị bằng thuốc: Hiện tại chưa có thuốc nào chứng minh được hiệu quả phục hồi ngôn ngữ sau đột quỵ.

Tuy nhiên, bệnh nhân phải duy trì điều trị để tiếp tục giảm các yếu tố nguy cơ đột quỵ tái phát như: rối loạn mỡ máu, đường máu, tăng huyết áp…

Điều trị bằng tập luyện: Tùy thể bệnh mà chuyên gia vật lý trị liệu ngôn ngữ sẽ đưa ra các bài tập, phương pháp tập cụ thể. Tập ngôn ngữ gồm tập phát âm, tập cơ và các thành phần tạo âm thanh, tập viết, tập đọc.

+ Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt: Bài tập gồm tất cả các phương pháp tập: tập phát âm, tập định danh, tập nhắc lại. Từ các từ đơn đến câu cùng với tập các cơ quan phát âm, tập viết, đọc.

+ Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận: Bệnh nhân không hiểu điều chúng ta đang nói, nhưng bệnh nhân có thể làm lại một số động tác theo mẫu nên giai đoạn đầu yêu cầu bệnh nhân làm theo một số động tác tập cơ, như: thổi và giữ hơi cho phồng miệng lên, đưa lưỡi lên xuống, há lớn miệng, nhe răng, vỗ tay, bắt tay… Bệnh nhân dần dần phối hợp được sẽ yêu cầu bệnh nhân nhắc lại một số từ, câu. Tiến tới đọc một số câu ngắn trong sách báo, viết lại tên của bản thân, tên thành viên trong gia đình…

+ Rối loạn ngôn ngữ toàn thể: Đây là dạng tổn thương não lan rộng, nặng nề nên việc tập gặp khó khăn. Chuyên gia ngôn ngữ sẽ dựa vào thực tế để quyết định tập thế nào. Ví dụ: gọi để bệnh nhân qua đầu, mắt về hướng mình; làm động tác thổi vào tờ giấy; hỗ trợ chỉ vào bảng chỉ dẫn kết hợp với nói…

+ Rối loạn ngôn ngữ dẫn truyền: Tập trung vào luyện nhắc lại và tìm từ. Ban đầu nhắc lại từ, sau đó nhắc lại câu; tập tìm từ bằng cách mô tả một vật, sau đó yêu cầu bệnh nhân nói tên. Ví dụ: trái gì vỏ có gai, có mùi thơm, có múi; con gì kêu “quạc quạc” C bệnh nhân sẽ tìm tên.

Xoa bóp: Trong quá trình tập nên phối hợp xoa bóp các cơ vùng miệng, vùng cổ. Vừa giúp thay đổi trạng thái của bệnh nhân vừa giúp bệnh nhân nghỉ ngơi và phục hồi các thành phần phát âm.

Nên phối hợp với động tác tập thở sâu để tập các cơ hô hấp và lấy lại năng lượng, sự tập trung khi tập.

Điều trị bằng châm cứu: Chúng tôi châm cứu kích thích theo vùng giải phẫu tổn thương não (hình 1) kết hợp với châm cứu truyền thống. Với cách châm này có thể kích thích tái tổ chức não tốt hơn, các thành phần tạo âm thanh phục hồi tốt hơn.

Điều trị Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng khác: Thường tổn thương ngôn ngữ kết hợp với tổn thương vận động, nên tất cả các kỹ thuật, phương pháp phục hồi vận động được áp dụng. Vừa kết hợp tập vận động với tập ngôn ngữ thì khả năng phục hồi sẽ tốt hơn cho cả hai.

BS CKII NGUYỄN XUÂN THẮNG – CHUYÊN VIÊN NGÔN NGỮ TRỊ LIỆU

TIN LIÊN QUAN

SÁCH BÀI TẬP CHO RỐI LOẠN NGÔN NGỮ SAU ĐỘT QUỴ

TẬP NGÔN NGỮ CHO BỆNH NHÂN SAU ĐỘT QUỴ – DÀNH CHO NGƯỜI NHÀ BỆNH NHÂN


PHÒNG KHÁM YHCT-PHCN HOÀN XUÂN
PHỤ TRÁCH: BS CKII NGUYỄN XUÂN THẮNG
ĐỊA CHỈ: 5A VĂN CAO, P. PHÚ THẠNH, Q. TÂN PHÚ, TP. HCM
ĐT: 0903380057, 0986026355