ĐAU THẦN KINH TỌA
KHÁI NIỆM:
Đau thần kinh tọa hay còn gọi là đau thần kinh hông, bao gồm thần kinh hông lớn (tổn thương rễ thần kinh L5-S1) và thần kinh hông nhỏ (tổn thương rễ thần kinh L4-L5)
Tọa có nghĩa là dây thần kinh đi qua vùng bàn tọa (vùng ngồi) mà có tên là đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là tên gọi chỉ chung với bệnh của dây thần kinh tọa, tuy nhiên trên thực tế có các biểu hiện khác của bệnh dây thần kinh tọa, như tê, teo cơ, yếu cơ, nóng rát… vùng dây thần kinh tọa bị tổn thương.
NGUYÊN NHÂN:
+ Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân của phần lớn bệnh nhân đau thần kinh tọa (chiếm khoảng 80% bệnh nhân đau thần kinh tọa). Thoát vị đĩa đệm làm chèn ép vào nơi đường ra của dây thần kinh từ trên vùng cột sống mà gây đau.
+ Trượt đốt sống thắt lưng: Trượt đốt gây tác động vào dây thần kinh tọa. Ngoài ra trượt đốt sống thường đi kèm với thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm nên thường gây đau thần kinh tọa
+ Thoái hóa cột sống tạo gai xương xâm lấn vào lỗ liên đốt cột sống, nơi dây thần kinh tọa đi ra
+ Các nguyên nhân ít gặp khác: Viêm cột sống, phình mạch gây đè ép lên dây thần kinh tọa, cột sống, lao, nguyên nhân gây viêm trên đường đi của dây thần kinh…
TRIỆU CHỨNG:
+ Đau: Là triệu chứng thường gặp. Đau từ vùng thắt lưng, đau lan theo đường đi của dây thần. Đau tăng khi làm các nghiệm pháp căng dây thần kinh
+ Rối loạn cảm giác: Tê là rối loạn cảm giác thường gặp, ngoài ra cảm giác nóng rát dọc theo dây thần kinh cũng hay gặp, những rối loạn cảm giác khác như kiến bò, châm chích cũng gợi ý đến bệnh dây thần kinh tọa
+ Teo cơ: Khi bệnh kéo dài có thể thấy teo cơ vùng đùi và vùng cẳng chân. Một số trường hợp teo cơ nhanh do tổn thương vào vùng vận động của dây thần kinh
+ Yếu: Biểu hiện rõ là bàn chân không nâng lên được, có thể rơi dép khi bước
Đặc điểm các triệu chứng:
– Vị trí biểu hiện triệu chứng: Từ mông tới mặt sau chân nếu tổn thương thần kinh hông to; triệu chứng từ mông tới mặt ngoài chân nếu tổn thương thần kinh hông nhỏ Thường tăng lên khi ngồi, đứng, đi, giảm khi được nằm nghỉ là tính chất của đau do chèn ép cơ học, thường là do thoát vị
– Đau cả khi nghỉ ngơi, đau về sáng là biểu hiện viêm dây thần kinh. Viêm dây thần kinh có thể do tác động của thoát vị đĩa đệm hoặc nguyên nhân gây viêm khác
– Đau xuất chiếu: Một số trường hợp chỉ thấy đau hoặc tê một đoạn của dây thần kinh chi phối. Ví dụ đau từ vùng kheo chân trở xuống. Đây gọi là đau xuất chiếu.
– Một số trường hợp không biểu hiện đau vùng thắt lưng mặc dù có thoát vị, trượt đốt sống… Lý do ở đây là nguyên nhân gây đau thần kinh tọa ở vùng thắt lưng tiến triển từ từ kéo dài và cơ thể chúng ta thích nghi theo thời gian, khi có biểu hiện tác động vào dây thần kinh tọa mới thấy đau theo dây thần kinh
Các triệu chứng cận lâm sàng:
+ Điện thần kinh cơ: Để đánh giá mức độ tổn thương và vị trí tổn thương
+ X quang: Đánh giá được: Trượt đốt sống, mức độ trượt; Hẹp khoang gian đốt sống, hay xẹp đĩa đệm tương ứng; Thoái hóa cột sống, đặc biệt gai xương xâm lấn lỗ liên đốt cột sống; Xẹp thân đốt sống; Vẹo cột sống; Các tổn thương khác vùng đốt sống như lao, khối u…
X quang cũng chụp các vùng khác để loại trừ các nguyên nhân dễ nhầm lẫn với đau thần kinh tọa, như viêm hoại tử chỏm xương đùi
+ MRI: Là phương pháp hoàn hảo để đánh giá các tổn thương của cột sống làm ảnh hưởng tới thần kinh tọa
+ CT scan: Hiện nay thường được dùng để đánh giá thêm các tổn thương mô mềm khi còn có những nghi ngờ trên MRI
CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
Một số triệu chứng đau, tê cần phân biệt với đau thần kinh tọa
+ Viêm – hoại tử chỏm xương đùi: Vị trí đau cũng từ mông lan xuống đùi, tăng khi đi lại. Phân biệt: Nghiệm pháp kéo căng dây thần kinh không đau tăng; làm các động tác xoay khớp háng đau tăng; chụp X quang khớp háng thấy hình ảnh hoại tử chỏm xương đùi; nếu nghi ngờ có thể chụp MRI để phân biệt
+ Suy tĩnh mạch chi dưới: Cũng đau chân, nhưng đặc điểm đau từ khớp gối trở xuống, cảm giác cứng vùng bắp chân, tăng về chiều và thấy phù nề vùng cổ chân, bàn chân. Đau do suy tĩnh mạch thường không đau vùng đùi.
ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc điều trị
+ Giảm đau, chống viêm, mềm cơ
+ Giải phóng sự đè ép dây thần kinh
Điều trị nội khoa bằng thuốc:
+ Thuốc giảm đau NSAID vẫn là thuốc cơ bản để điều trị đau, viêm
+ Thuốc giãn cơ vân: Giúp mềm cơ cạnh sống, cơ không bị co cứng làm cho cột sống cân xứng, không lệch trục, giúp giảm áp lực lên đĩa đệm. Giãn cơ cũng là một cách điều trị nguyên nhân thoát vị đĩa đệm.
+ Thuốc giảm đau thần kinh: Gabapentin, Pregabalin là thuốc lựa chọn được khuyến cáo cho bệnh nhân đau kéo dài, có các rối loạn cảm giác như nóng rát, tê bì, châm chích
+ Thuốc giảm đau tại chỗ: Dùng các loại gel hoặc miếng dán với các thành phần như diclofenac để hỗ trợ giảm đau
+ Vitamin B: Có thể dùng uống hoặc tiêm cạnh sống, tiêm dọc theo đường đi dây thần kinh
Điều trị phẫu thuật:
Đừng quá lo lắng khi bác sĩ chỉ định phẫu thuật, do phẫu thuật phải dựa trên các nguyên tắc chuyên môn và các thiết bị cũng như tay nghề bác sĩ phẫu thuật cột sống hiện nay không thua kém gì các nước tiên tiến
+ Phẫu thuật giúp giảm ngay tác động đè ép của các thành phần vào dây thần kinh tọa, như thoát vị đĩa đệm, vỡ đĩa đệm tạo mảnh kẹt vào dây thần kinh; chỉnh lại trục cột sống bị trượt.
+ Chỉ định phẫu thuật:
– Điều trị nội khoa trên 3 tháng không bớt đau
– Teo cơ
– Thoát vị đĩa đệm tạo mảnh vỡ gây tác động dây thần kinh tọa
– Thoát vị đĩa đệm lớn hơn 9mm, tác động vào tủy sống, chùm đuôi ngựa phải phẫu thuật ngay
– Trượt đốt sống từ độ II trở lên
– Các khối u vùng đốt sống
Điều trị bằng Vật lý trị liệu
Điều trị bằng Vật lý trị liệu nên kết hợp ngay và song song với điều trị nội khoa. Các phương pháp có hiệu quả trong điều trị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, trượt đốt sống bao gồm:
+ Kéo giãn cột sống: Giúp giãn cơ, mềm cơ cạnh cột sống; tăng áp lực âm trong khoảng gian đốt sống giúp đĩa đệm di chuyển trở lại vị trí sinh lý ban đầu làm giảm chèn ép của khối thoát vị vào dây thần kinh tọa. Với trượt đốt sống, kéo giãn sẽ dần giảm mức độ trượt.
+ Điện xung: Là một chỉ định thường xuyên của VLTL trong điều trị đau và được khuyến cáo có hiệu quả trong điều trị
+ Sóng ngắn: Đặc biệt áp dụng trong các trường hợp đau nhiều, có biểu hiện viêm và co cứng cơ vùng thắt lưng nhiều
+ Siêu âm: Siêu âm giảm đau, chóng viêm kém hơn sóng ngắn nhưng có lợi thế giãn cơ cạnh sống. Nên lựa chọn khi cơ vùng thắt lưng co cứng nhiều
+ Tập: Tập vùng thắt lưng do kỹ thuật viên VLTL là các kỹ thuật di động mô mềm cạnh sống, vận động cột sống để cơ cạnh sống không co cứng, giảm đau, cân xứng hai bên. Đặc biệt tập cột sống giúp đĩa đệm thoát vị có cơ hội phục hồi
Điều trị bằng Y học cổ truyền
Nguyên tắc điều trị:
+ Lưu thông khí huyết: Theo YHCT thì tất cả các đau, tê đều do khí huyết ứ trệ mà gây ra
+ Bổ thận: Vùng lưng là vùng tạng thận làm chủ, nên trong quá trình chữa phải chú ý vào thận. Ngoài ra, các chứng thoái hóa cột sống cũng đều quy về thận
+ Trừ phong, hàn, thấp: Tùy vào phong nhiều, hàn nhiều hay thấp nhiều mà lựa chọn phương chữa phù hợp
+ Lựa chọn phương pháp: Nên lựa chọn từ 2 phương pháp của YHCT trở lên nếu điều trị chỉ bằng YHCT, ví dụ châm cứu kết hợp thuốc YHCT
Châm cứu: Nên sử dụng điện châm, cường độ từ 4-6mA, tần số 10-100Hz, thời gian từ 15-30 phút
Châm vùng thắt lưng: Nếu đau, co cứng cơ vùng thắt lưng nhiều thì châm phối hợp các huyệt Giáp tích vùng thắt lưng kết hợp với Thận du, Đại trường du. Ngoài ra là tìm các điểm đau nhiều để châm. Nếu thắt lưng ít đau, cơ không co cứng, thậm chí mềm nhẽo thì chọn huyệt Giáp tích thấy có lợi hơn
Châm theo vị trí đường dây thần kinh hay đường kinh chi phối: Đau thần kinh hông to thì châm dọc theo đường kinh Đại trường vùng chân. Nếu đau thần kinh hông nhỏ thì châm các huyệt dọc theo kinh Đởm vùng chân. Quá trình châm cũng chọn á thị huyệt
Các lựa chọn khác: Nếu đau thắt lưng nhiều, chú ý lựa chọn châm Ủy trung 2 bên, là huyệt tổng vùng thắt lưng, nếu thấp nhiều thì thêm huyệt Phong long, phong nhiều thì thêm Phong môn, hàn nhiều thì dùng ôn châm
Cấy chỉ:
Cấy chỉ là phương pháp đặc biệt của châm cứu. Dùng một đoạn chỉ catgut ngắn khoảng 0,5-1cm đưa vào huyệt, nhằm mục đích kích thích liên tục kéo dài lên huyệt. Các chứng đau mạn tính như đau thần kinh tọa tỏ ra hiệu quả vượt trội với phương pháp cấy chỉ
Lựa chọn huyệt cấy chỉ giống như huyệt châm cứu
Xoa bóp, bấm huyệt:
Xoa bóp: Dùng các động tác miết dọc cơ cạnh sống để đạt được tác dụng thư giãn cơ và giảm đau; các động tác di động cột sống để các gai sau đốt sống di chuyển đều đặn được trên lòng bàn tay là đạt yêu cầu. Với các vị trí đường đi của dây thần kinh thì làm các động tác miết, bóp, nhào cơ, rung cơ; nên làm xoa bóp cả vùng bàn chân
Bấm huyệt: Chọn các huyệt vùng thắt lưng và đường kinh Bàng quang hoặc kinh Đởm vùng chân để bấm huyệt. Bấm từ từ tăng dần lực vào huyệt, không nên bấm đột ngột dễ gây đau.
Xoa bóp và bấm huyệt có thể giúp bệnh nhân giảm đau ngay. Tác động thư giãn cơ cạnh sống, các đốt sống di động đều đặn giúp thoát vị đĩa đệm phục hồi, trượt đốt sống bớt đi, giảm quá trình thoái hóa cột sống tiến triển, nên là một phương pháp ưu tiên lựa chọn trong điều trị
Thuốc Y học cổ truyền
- Bài thuốc cổ phương: Độc hoạt tang ký sinh, Ý dĩ nhân thang, Tam tý thang
- Độc hoạt tang ký sinh
-
Độc hoạt 12g Tang ký sinh 12g
Tần giao 10g
Tế tân 10g
Phòng phong 12g
Đương quy 12g
Phục linh 12g
Thược dược 12g Xuyên khung 12g
Ngưu tất 12g
Đỗ trọng 12g
Nhân sâm 12g
Cam thảo 06g
Quế chi 06g
Bài thuốc áp dụng cho đau nhiều khớp cả phần trên và dưới cơ thể
Sắc uống ngày 01 thang, có thể dùng 3-6 tháng
Tam tý thang:
Độc hoạt 12g Thược dược 12g Tục đoạn 12g Xuyên khung 12g Tần giao 10g Ngưu tất 12g Tế tân 10g Đỗ trọng 12g Phòng phong 12g Nhân sâm 12g Đương quy 12g Cam thảo 06g Phục linh 12g Quế chi 06g Hoàng kỳ 12g Dùng cho bệnh nhân thể tạng hư nhược nhiều
Sắc uống ngày 01 thang, có thể dùng trong 3-6 tháng
- Bài thuốc kinh nghiệm
+ Chữa bệnh nhân thể hàn:
Tang ký sinh, uy linh tiên, độc hoạt, ngưu tất, mỗi thứ 12g; trần bì, tế tân, quế chi, chỉ xác, phòng phong, mỗi thứ 8g
Sắc uống ngày 01 thang
+ Chữa bệnh nhân thể thấp nhiệt:
Thạch cao 30g, đan bì, xích thược, uy linh tiên mỗi thứ 8g; tang chi, phòng kỷ mỗi thứ 12g; hoàng bá, liên kiều mỗi chứ 6g
Sắc uống ngày 01 thang
+ Chữa bệnh thể khí huyết ứ trệ nhiều
Ích mẫu, đan sâm, kê huyết đằng mỗi thứ 20g, rễ bưởi bung 16g, hương phụ chế, tang chi mỗi thứ 12g, trần bì, thổ phục linh, tần giao, đỗ trọng mỗi thứ 10g
Sắc uống ngày 01 thang
+ Chữa thể phong thấp nhiều:
Cẩu tích, đương quy, bạch thược, thục địa mỗi thứ 12g; quế chi, xuyên khung, rễ lá lốt, thiên niên kiện, phòng phong mỗi thứ 10g; rễ cây xấu hổ, tục đoạn mỗi thứ 20g; bưởi bung, cúc tần mỗi thứ 16g
Sắc uống ngày 01 thang
Tập dưỡng sinh, tập vận động
Các động tác dưỡng sinh nên tập, trừ các động tác cúi lưng quá mức, động tác làm tăng trọng lực lên vùng thắt lưng
Thể dục, thể thao: Chọn các động tác thể dục, thể thao có xu thế thư giãn vùng thắt lưng như tập bơi, tập xà đơn. Không tập chạy, nâng tạ đứng…
PHÒNG BỆNH
+ Giữ tư thế lưng thẳng khi ngồi làm việc, sinh hoạt, học. Đặc biệt các công việc phải ngồi lâu như máy tính, học… cần chú ý hết sức tránh để lưng bị cúi quá, vẹo sang một bên.
+ Chống béo phì
+ Chú ý các tư thế bê vác nặng, không để cúi cong lưng khi bê vật nặng
+ Khi đã bị bệnh thì nên nẹp cột sống lưng bằng đai cột sống khi đi lại, nhất là đi lại bằng xe có sự rung sóc nhiều
+ Thường xuyên tập luyện thể thao từ ngay khi còn trẻ với các môn phù hợp với sức khỏe. Các động tác tập nên cân đối giữa các động tác tập thư giãn lưng và tăng sức mạnh cho cơ lưng.
PHÒNG KHÁM YHCT-VLTL HOÀN XUÂN
PHỤ TRÁCH: BS CKII NGUYỄN XUÂN THẮNG
ĐỊA CHỈ: 5A VĂN CAO, P. PHÚ THẠNH, Q. TÂN PHÚ, TP. HCM
ĐT: 0903380057, 0986026355