Giờ làm việc: Thứ 2->Thứ 7: 15h-21h (Chủ nhật: Nghỉ)

090 338 00 57

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CỔ VÀ THẮT LƯNG

GIẢI PHẪU:

Đĩa đệm cột sống nằm trong khoang gian đốt sống, nằm giữa hai đốt sống, được duy trì bởi các dây chằng

Đĩa đệm bao gồm hai thành phần chính: Vòng sợi và nhân nhầy

ĐỊNH NGHĨA: Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm bị dịch chuyển khỏi vị trí bình thường do những tổn thương của vòng sợi làm đĩa đệm bị lồi ra hoặc vỡ vòng sợi gây thoát nhân nhầy ra ngoài mà gây ra triệu chứng do thay đổi này tạo nên.

NGUYÊN NHÂN THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

Thoái hóa cột sống:

Thoái hóa đĩa đệm nằm trong bệnh cảnh chung của thoái hóa cột sống, thoái hóa làm cho vòng sợi giảm sự đàn hồi, giảm chất lượng. Gây nên xẹp đĩa đệm, dễ đứt gãy vòng sợi làm cho nhân nhầy dịch chuyển.

Thoái hóa đĩa đệm cũng thường đi kèm với tuổi tác, lao động nặng kéo dài, lệch vẹo cột sống. Ngoài ra, béo phì, làm việc với các tư thế bất lợi cho cột sống kéo dài làm cho có các điểm tỳ liên tục gây suy giảm máu nuôi là các nguy cơ gây thoái hóa sớm

Chấn thương:

Chấn thương cấp: Chấn thương mạnh, đột ngột là tổn thương đĩa đệm

Vi chấn thương kéo dài: Một số nghề nghiệp chịu sự rung xóc liên tục lên cột sống làm cho đĩa đệm bị tổn thương nhỏ nhưng kéo dài dẫn đến tổn thương vòng sợi của đĩa đệm.

HẬU QUẢ CỦA THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

  • Tác động tới dây thần kinh liên quan: Tác động đè ép dây thần kinh cột sống cổ gây đau, tê… vai tay; Tác động lên dây thần kinh cột sống thắt lưng gây tổn thương thần kinh tọa.
  • Nguy cơ gây tác động tới tủy sống: Khối thoát vị nếu tác động tới tủy sống gây tổn thương tủy
  • Gây mất cân bằng giữa 3 điểm quan trọng giữ cho cột sống vận động tốt mà vẫn ổn định là đĩa đệm và 2 khớp bên đốt sống. Sự mất cân bằng này dễ dẫn đến thoái hóa cột sống do việc di chuyển của khớp bên đốt sống bị lệch trục, đây cũng là lý do tạo gai xương đốt sống xâm lấn vào lỗ liên hợp cột sống, nơi thoát ra của dây thần kinh cột sống.


TRIỆU CHỨNG

  • Đau tại chỗ vùng thắt lưng hoặc cổ vai tương đương đoạn cột sống bị thoát vị
  • Đau dọc đường đi dây thần kinh bị tác động: Cổ vai đến tay nếu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ; Đau thắt lưng tới mông, mặt sau hoặc mặt ngoài chân tới bàn chân
  • Tê: Một số ít trường hợp không có biểu hiện đau mà chỉ có biểu hiện tê theo chi phối của dây thần kinh. Tê xuất hiện khi dây thần kinh bị đè ép nhiều vào phần cảm giác
  • Nóng rát: Một số trường hợp biểu hiện nóng rát theo đường đi của dây thần kinh, đặc biệt hay biểu hiện ở bàn chân
  • Teo cơ: Một số trường hợp teo cơ nhanh khi khối thoát vị đè ép vào phần vận động của dây thần kinh
  • Bàn chân rớt: Trường hợp tổn thương nặng, kéo dài thấy có biểu hiện rớt dép khi bước, nâng mũi bàn chân khó khăn

Như vậy, các triệu chứng có thể khác nhau giữa các bệnh nhân cùng thoát vị đĩa đệm

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Mục tiêu quan trọng của điều trị là giảm đau và giải phóng sự chèn ép của đĩa đệm vào dây thần kinh và tủy sống.

ĐIỀU TRỊ BẰNG TÂY Y:

Điều trị bằng thuốc:

+ Thuốc giảm đau thông thường, chống viêm không steroid

+ Thuốc giãn cơ

+ Thuốc giảm đau thần kinh: Điển hình là Gabapentin, dùng điều trị chứng đau mạn tính, đau theo dây thần kinh, tê nhiều, nóng rát…

+ Thuốc tăng tái tạo bao myelin (Nucleo C.M.P Forte, Leolen Forte, Hornol)

+ Thuốc kích thích phục hồi và tăng dẫn truyền thần kinh Mecobalamin

+ Vitamin nhóm B cũng thường được dùng phối hợp trong các chứng đau dây thần kinh

Điều trị phẫu thuật

Chúng tôi không bàn về phẫu thuật, chỉ có một số gợi ý bệnh nhân lựa chọn phẫu thuật khi:

+ Đau kéo dài trên 3 tháng, điều trị nội khoa không giảm

+ Teo cơ

+ Thoát vị có mảnh vỡ làm kẹt dây thần kinh

+ Thoát vị có tác động vào tủy sống

ĐIỀU TRỊ BẰNG VẬT LÝ TRỊ LIỆU: Vật lý trị liệu là phương pháp hiệu quả để điều trị thoát vị và các triệu chứng do thoát vị gây nên. Các biện pháp có hiệu quả

+ Kéo giãn cột sống: Giúp giãn cơ, thư giãn khoang gian đốt tạo điều kiện hồi phục đĩa đệm thoát vị và đặc biệt giúp giảm đè ép dây thần kinh

+ Điện xung: Có nhiều dòng điện xung có tác dụng giảm đau rất tốt, là phương pháp chính điều trị đau thần kinh của Vật lý trị liệu.

+ Sóng ngắn: Với bệnh nhân đau nhiều kèm biểu hiện viêm (đau kiểu viêm) thì nên chọn điều trị sóng ngắn kết hợp.

+ Siêu âm điều trị: Đặc biệt có lợi cho đau, co cứng cơ vùng thắt lưng và cổ vai

+ Ngoài ra các phương pháp khác như đắp nến (paraffin), điện phân thuốc, laser… cũng là lựa chọn điều trị

+ Tập cột sống:

+ Xoa bóp, di động mô mềm…

ĐIỀU TRỊ BẰNG ĐÔNG Y:

Điều trị bằng thuốc

Lập phương điều trị:

+ Bổ thận: Tất cả chứng đau vùng thắt lưng, thoái hóa xương khớp đều quy cho chức năng của thận suy giảm. Nếu thận âm hư thì lựa chọn phối hợp với bài Lục vị, nếu thận dương hư thì phối hợp với bài bát vị trong điều trị

+ Lưu thông khí huyết: Theo YHCT khi khí huyết không lưu thông sẽ dẫn đến đau, tê. Do đó điều trị phải luôn gắn với lưu thông khí huyết. Có thể kết hợp với bổ khí, bổ huyết nếu khí huyết suy kém

+ Khu phong trừ thấp: Khu phong trừ thấp tương ứng với điều trị bằng thuốc chống viêm giảm đau của Tây y. Các vị thuốc được lựa chọn hàng đầu là Độc hoạt, Khương hoạt, Phòng phong, Tế tân, Tần giao

+ Nếu bệnh nhân có teo cơ cần phải phối hợp kiện tỳ vì tỳ chủ về cơ nhục, chủ về vận hóa. Công năng của tỳ tốt sẽ giúp giảm đờm thấp ứ trệ, một yêu tố gây đau.

Bài thuốc

Độc hoạt tang ký sinh: Là bài thuốc có kết hợp đầy đủ bổ thận, trừ phong thấp, lưu thông khí huyết và kiện tỳ. Nên bài thuốc này luôn là lựa chọn hàng đầu của các thầy thuốc Đông y. Dựa trên bài thuốc này với tình trạng người bệnh mà gia, giảm thêm thuốc cho phù hợp với từng cá thể người bệnh

Độc hoạt              12g                       Thược dược          12g

Tang ký sinh         12g                       Xuyên khung        12g

Tần giao               10g                       Ngưu tất               12g

Tế tân                   10g                       Đỗ trọng               12g

Phòng phong        12g                      Nhân sâm             12g

Đương quy           12g                       Cam thảo              06g

Phục linh              12g                       Quế chi                 06g

Điều trị bằng châm cứu:

+ Châm vùng cột sống tương ứng với vị trí thoát vị đĩa đệm

+ Châm dọc theo đường đi của dây thần kinh bị ảnh hưởng đau, tê…

+ Lựa chọn điện châm: Tần số khoảng 10-100Hz, cường độ khoảng 4mA. Với tần số và cường độ này có thể giúp gây tê tại chỗ, giúp giảm đau tốt. Ngoài ra giúp giãn cơ cạnh cột sống

Thủy châm: Sử dụng nhóm thuốc vitamin B tiêm vào huyệt, vừa có tác dụng của huyệt vừa có tác dụng của thuốc

Xoa bóp bấm huyệt:

+ Miết dọc cơ cạnh sống giúp cho cơ cạnh sống thư giãn và thư giãn khoang gian đốt sống tạo điều kiện phục hồi đĩa đệm thoát vị. Ngoài ra xoa bóp vùng đường dây thần bị ảnh hưởng.

+ Bấm huyệt thường kết hợp với xoa bóp, sử dụng các huyệt như châm cứu.

+ Xoa bóp, bấm huyệt có thể giảm đau ngay sau khi thực hiện cho bệnh nhân

Cứu ngải: Thường áp dụng khi bệnh nhân có biểu hiện hàn nhiều, đau tăng khi trời lạnh. Nên cứu các huyệt cạnh cột sống

PHÒNG KHÁM HOÀN XUÂN
PHỤ TRÁCH: BS CKII NGUYỄN XUÂN THẮNG
    ĐỊA CHỈ: 52 VƯỜN LÀI, P. TÂN THÀNH, Q. TÂN PHÚ, TP. HCM
         ĐT: 0903380057, 0986026355