Giờ làm việc: Thứ 2->Thứ 7: 15h-21h (Chủ nhật: Nghỉ)

090 338 00 57

TƯ VẤN CHỦ ĐỀ ĐAU THẮT LƯNG, KHÁM CHỮA THẾ NÀO

  1. Đau thắt thắt lưng là triệu chứng phổ biến mà nhiều người thường gặp, nhất là khi bước sang tuổi trung niên. Xin hỏi bác sĩ, đau thắt thắt lưng do những nguyên nhân nào?

Đau thắt lưng có thể là biểu hiện bệnh của vùng cột sống thắt lưng và các gân cơ liên quan, cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh các cơ quan nội tạng gần vùng cột sống thắt lưng. Với tuổi trung niên trở lên thì rõ ràng các bệnh lý vùng này cũng tăng lên theo lứa tuổi, đặc biệt là thoái hoá cột sống thắt lưng.

– Các nguyên nhân cột sống và gân cơ cạnh cột sống bao gồm: Đau do cơ cạnh cột sống, thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm là những nguyên nhân hay gặp; các nguyên nhân ít gặp khác như lao, ung thư, viêm cột sống dính khớp, do tâm lý…

– Nguyên nhân do các cơ quan nội tạng vùng cột sống: Tất cả bệnh cơ quan nội tạng vùng cạnh cột sống thắt lưng đều có thể gây ra đau lưng. Hay gặp nhất gây đau thắt lưng là bệnh lý của 2 thận, bàng quang, bệnh lý vùng sinh dục nữ như buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt… Những bệnh vùng ruột non, ruột già, dạ dày cũng đôi khi biểu hiện ra ngoài bằng đau vùng thắt lưng.

  1. Cơn đau mạn tính và cấp tính khác nhau như thế nào ạ? Thế nào là đau mạn tính?

Khác nhau giữa đau mạn tính và cấp tính:

Khác nhau về thời gian tồn tại đau: Đau mạn tính là đau kéo dài trên 3 tháng cho dù được điều trị hay không điều trị.

Về thành phần gây đau: Đau cấp thường là một yếu tố, còn đau mạn tính thường là nhiều yếu tố phối hợp. Những yếu tố này bao gồm những yếu tố tổn thương thực thể gây đau (gồm đau thụ thể và đau thần kinh) và các yếu tố khác như tâm lý cảm xúc, xã hội, tinh thần, tín ngưỡng… Đau cấp tính thường là đau do tổn thương thực thể có thể kèm theo yếu tố lo lắng và thường điều trị khỏi trong một vài ngày. Đau mạn tính cũng thường xuất hiện với tổn thương thực thể, tuy nhiên do không được điều trị đúng cách hoặc do các yếu tố tâm lý, xã hội tác động mà dần dần trợ thành mạn tính.

Khác nhau về điều trị: Đau cấp thường chỉ cần đơn trị liệu còn đau mạn tính phải dùng đa trị liệu (dùng phối hợp giữa thuốc giảm đau, thuốc tác động tới thần kinh trung ương và các yếu tố khác như tập luyện, thư giãn, tâm lý trị liệu, âm nhạc trị liệu… kể cả các liệu pháp có tính tín ngưỡng, tôn giáo.

Khái niệm đau mạn tính: Đau mạn tính là đau kéo dài trên 3 tháng cho dù được điều trị hay không mà đau vẫn tồn tại. Trên thực tế thấy rằng đau mạn tính hay gặp với các đau xương khớp, đau do thần kinh.

  1. Khi bị đau thắt lưng, thường thì bệnh nhân đến khám ở những khoa nào? Đau thắt lưng nên chữa theo tây y hay đông y?

Đau vùng thắt lưng có thể khám ở nhiều chuyên khoa khác nhau. Từ đó bác sĩ khám bệnh sẽ định hướng xem nguyên nhân đau thắt lưng do cột sống hay các cơ quan nội tạng quanh vùng thắt lưng hay do tại cột sống và các cơ vùng thắt lưng, từ đó sẽ khám chuyên sâu hơn. Nếu triệu chứng gợi ý đến do sỏi thận thì sẽ khám theo hướng thận – niệu, nếu nghĩ đến do bệnh ở vòi trứng thì sẽ khám theo hướng phụ khoa…

Nếu đau loại trừ các yếu tố cơ quan nội tạng thì có thể khám ở các chuyên khoa sau: Cơ xương khớp, thần kinh, vật lý trị liệu, kể cả các bác sĩ đông y.

Điều trị đau thắt lưng (không phải do nguyên nhân cơ quan nội tạng gây ra): Có lẽ không nên phân biệt rõ là nên chữa theo đông y hay tây y. Chúng tôi thường dựa vào chứng cứ về giá trị điều trị của từng phương pháp với đau thắt lưng. Ngoài ra phải dựa vào nguyên nhân gây đau, dựa vào tính chất đau cấp hay mạn tính, đau thụ thể, đau thần kinh hay đau hỗn hợp, yếu tố tuổi tác, tâm lý tình cảm…

Qua thực tế làm việc nhiều năm với chuyên ngành đông y – vật lý trị liệu, chúng tôi nhận thấy tất cả các đau vùng thắt lưng đều có thể điều trị bằng đông y và vật lý trị liệu kể cả các nguyên nhân như sỏi thận, viêm bàng quang, đau bụng kinh… cho đến các nguyên nhân thoát vị đĩa đệm, thoái hoá cột sống, viêm cột sống dính khớp, ung thư xương cột sống… Tuy nhiên, bác sĩ sẽ phân ra khi nào điều trị phối hợp với tây y, khi nào không nhất thiết phải phối hợp dựa vào nguyên nhân nào, dựa vào đau mạn tính hay cấp tính và dựa vào có bệnh phối hợp hay không, đặc biệt có viêm loét dạ dày – tá tràng hay không. Ví dụ: Một bệnh nhân trẻ, bị đau thắt lưng cấp sau khi bê vác vật nặng, không có các bệnh kèm theo khác, thì ngoài châm cứu, bấm huyệt, cứu ngải, xoa bóp… thì để cho tăng nhanh khả năng bệnh nhân khỏi đau, trở lại được với công việc sớm thì chúng tôi vẫn thường phối hợp với thuốc giảm đau và giãn cơ; còn với bệnh nhân đau thắt lưng mạn tính kèm theo viêm gan, viêm loét dạ dày thì lại chỉ điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc kết hợp với tập luyện. Do đó, tuỳ tình trạng mà bác sĩ sẽ linh hoạt áp dụng cho phù hợp.

  1. Bị đau thắt lưng có thể điều trị bằng thuốc giảm đau nào? Khi nào thì phải đến bệnh viện chứ không tự điều trị tại nhà?

Điều trị đau thắt lưng được chia ra 2 nhóm là đau cấp và đau mạn tính

Đau cấp: Thường điều trị bằng các thuốc giảm đau N’SAID (thuốc giảm đau không có steroid) kết hợp với thuốc giãn cơ trơn. Tuy nhiên, việc lựa chọn thuốc còn phải dựa trên một vài tình trạng thực tế của bệnh nhân. Ví dụ: Có bệnh tim do xơ vữa mạch, không nên chọn nhóm thuốc giảm đau COX2; viêm gan thì nên thận trọng khi sử dụng paracetamol, suy thận phải lựa chọn thuốc không đào thải qua thận; viêm loét dạ dày phải phối hợp với thuốc bảo vệ dạ dày…

Đau mạn tính: Việc lựa chọn thuốc giảm đau phải theo hướng có tác dụng tới thần kinh như Gabapentin, Amitriptyline… Nhưng cũng phải phù hợp tình trạng chung của bệnh nhân giống như trên.

Do đó, việc lựa chọn thuốc nào để điều trị nên phải có khám bệnh và tư vấn của bác sĩ hoặc tư vấn của dược sĩ. Chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên dùng thuốc chữa đau cho mọi người bị đau thắt lưng.

  • Đau thắt lưng phải đến bệnh viện khám khi:
  • Đau cấp, vận động vùng lưng đau tăng hoặc khó vận động.
  • Đau kéo dài, điều trị bằng các thuốc giảm đau thông thường không khỏi.
  • Đau từ thắt lưng lan xuống vùng mông, chân, có thể có cảm giác tê đi kèm. Đau tăng lên khi đi hoặc ngồi lâu.
  • Đau kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đi tiểu buốt, tiểu nóng, đau về đêm gần sáng (do nghĩ đến đau do viêm dường tiết niệu, sỏi niệu quản gây ứ nước tiểu)
  • Đau thắt lưng có thể tự điều trị tại nhà:
  • Đau cấp nhưng ít ảnh hưởng tới vận động và đau không lan.
  • Đau sau khi đi lại đường xa, sau một ngày đột xuất phải đứng lâu, ngồi lâu mà mức độ đau không dữ dội.
  • Đau bụng kinh đã có trải qua nhiều lần
  1. Châm cứu và vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị đau thắt lưng theo nguyên lý/cơ chế nào ạ?
  • Nguyên tắc điều trị đau vùng thắt lưng là phải giảm đau và làm cho khối cơ cạnh cột sống lưng được cân xứng.
  • Điều trị đau bao giờ cũng theo 3 cơ chế: Giảm đau tại chỗ, giảm đau theo cơ chế kiểm soát cổng và điều trị đau theo cơ chế kiểm soát đau ở tầng thần kinh trung ương.
  • Châm cứu đạt được cả 3 cơ chế giảm đau trên, do đó có tác dụng giảm đau rất tốt và đã được khuyến cáo là phương pháp tốt để lựa chọn điều trị đau thắt lưng.

Theo quan niệm Y học cổ truyền thì đau (thống, tý) là do khí huyết bế tắc hoặc do khí huyết không đủ, châm cứu là phương pháp tác động trực tiếp lên kinh mạch (nơi khí huyết lưu thông để nuôi dưỡng và điều hoà các tạng phủ) để đả thông sự bít tắc kinh mạch, khi khí huyết lưu thông thì đau sẽ hết. Với các trường hợp khí huyết không đủ, châm cứu có tác dụng điều hoà lại công năng của các tạng phủ để điều hoà lại khí huyết, những trường hợp này thường phối hợp với dùng thuốc Y học cổ truyền.

  • Các phương pháp vật lý trị liệu cũng dựa trên các nguyên tắc và cơ chế giảm đau trên. Sóng ngắn, siêu âm được lựa chọn cho mục đích giảm đau tại chỗ; điện xung, xoa bóp có tác dụng thông qua cả 3 cơ chế, từ trường có tác dụng thông qua cơ chế kiểm soát đau trung ương. Riêng với kéo giãn cột sống có tác dụng nhiều cho giãn cơ và điều trị nguyên nhân do thoát vị đĩa đệm.

6. Có thể phẫu thuật để chữa đau thắt lưng không ạ? Đây có phải là phương pháp điều trị dứt điểm?

  • Đau thắt lưng đa số điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật. Để quyết định có phẫu thuật hay không cần phải khám, kèm theo với nhiều phương pháp chụp hình ảnh, xét nghiệm, đánh giá tổng trạng người bệnh…
  • Đau vùng cột sống thắt lưng cần phẫu thuật trong một số trường hợp:
  • Thoát vị đĩa đệm nặng, có mảnh vỡ đĩa đệm, đau nhiều, kèm tê và teo cơ chân.
  • Trượt đốt sống từ độ 2 trở lên
  • Một số trường hợp đặc biệt khác do bác sĩ khám, phân tích và quyết định phẫu thuật hay không.
  • Phẫu thuật có phải là phương pháp điều trị dứt điểm: Vì phẫu thuật để điều trị đau ở vùng thắt lưng thì áp dụng cho khá nhiều nguyên nhân gây đau. Ở đây chỉ nói về phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, là phẫu thuật thường được áp dụng với nhiều cách phẫu thuật khác nhau và ngày càng có xu thế để phẫu thuật ít ảnh hưởng tới cấu trúc của đĩa đệm và các mô xung quanh nhất, hơn nữa còn thay thế được cả đĩa đệm bị hư hỏng không thể sửa chữa.

Về mặt giải phẫu của cột sống, các đốt sống sẽ được xếp chồng lên nhau qua 3 điểm là 2 khớp bên đốt sống và đĩa đệm giống như kiềng 3 chân. Do đó, khi phẫu thuật thường làm cho một chân là đĩa đệm xẹp thấp xuống và làm ít nhiều lệch trục của 3 điểm tỳ của các đốt sống, điểm này rất dễ làm cho cột sống thoái hoá và tạo gai xương ở khớp bên đốt sống. Chính vì vậy, phẫu thuật là phương pháp điều trị lựa chọn phù hợp với tình trạng bệnh và cũng chưa thể coi là điều trị “dứt điểm”, ngay cả với thay đĩa đệm nhân tạo cũng không phải là điều trị dứt điểm.

  1. Nhiều người than phiền: “Đau thắt lưng, đã chữa nhiều nơi không khỏi”, trường hợp này họ cần xem xét những yếu tố nào trong quá trình điều trị bệnh?

Trường hợp này nên xem lại:

  • Chẩn đoán đã đúng chưa
  • Điều trị có phù hợp với chẩn đoán không.

Nếu được chẩn đoán đúng, điều trị phù hợp thì bệnh sẽ bớt

  1. Người bị đau thắt lưng cần lưu ý gì trong sinh hoạt thường ngày (các động tác nên làm, các động tác cần tránh, nằm ngủ thế nào, chọn nệm, lưu ý khi quan hệ tình dục)?

Các động tác cần tránh trong sinh hoạt hàng ngày đối với người đau thắt lưng:

Ngồi thẳng lưng với các động tác lao động, sinh hoạt, đặc biệt các lao động phải ngồi lâu. Hơn nữa, ngồi khoảng một giờ nên thay đội tư thế đi lại và vận động lưng một vài phút.

Không nên tập hoặc làm các động tác cúi lưng tối đa với người bị thoát vị đĩa đệm vì sẽ làm tăng áp lực lên đĩa đệm về một phía làm tăng nguy cơ đẩy khối thoát vị nhiều hơn.

Nâng vật nặng nên giữ thẳng lưng nhất có thể, tận dụng sức mạnh của chân phối hợp để nâng vật lên.

Với những bệnh nhân bị đau thắt lưng cấp nên đeo đai cột sống thắt lưng. Với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thì ngoài đeo đai cột sống khi đau còn nên đeo đai khi đi xe máy, ô tô đường dài.

Không nên nằm ngủ bằng võng, không nên dùng các nệm có độ lún nhiều làm cho lưng ở tư thế cong kéo dài khi ngủ. Với người đang bị đau thắt lưng nhiều nên nằm ngửa khi ngủ và kê gối ôm dưới 2 khớp gối để cho cơ vùng thắt lưng được thư giãn.

Với sinh hoạt tình dục: Tìm hiểu các tư thế sinh hoạt tình dục, chúng tôi nhận thấy không có nhiều ảnh hưởng tới cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, thường hay xuất hiện đau lưng sau khi sinh hoạt tình dục, đặc biệt ở nam giới lớn tuổi. Nên, không sinh hoạt tình dục khi đang đau nhiều, mà tốt nhất là sinh hoạt khi đã hết đau. Nếu đau mạn tính, kéo dài thì nên sinh hoạt tình dục với các tư thế ít gây đau nhất theo kiểu truyền thống tần xuất vừa phải.

  1. Người bị đau thắt lưng có kiêng cữ gì trong ăn uống không? Những món ăn nào tốt cho người bị đau thắt lưng?

Theo dân gian thì đau thắt lưng và đau cơ xương khớp nói chung nên kiêng ăn măng, cà pháo, cà tím và một số thức ăn được cho là lạnh quá. Nhưng chúng tôi chưa tìm kiếm được bằng chứng là khi ăn những thức ăn này làm tăng nặng bệnh.

Liên quan đến ăn uống có ảnh hưởng tới đau thắt lưng là béo phì. Tỷ lệ béo phì có liên quan tới gia tăng đau thắt lưng, do đó những người đau thắt lưng phải chú ý trong khẩu phần ăn để không bị béo phì.

Thức ăn nào có lợi cho bệnh nhân đau thắt lưng: Có khá nhiều các thức ăn bài thuốc được cho là có lợi cho người bị đau thắt lưng. Với chúng tôi, có một số vừa là thức ăn vừa là thuốc hay được dùng cho chữa các chứng đau, nên có thể tham khảo một số món ăn có kèm các thành phần sau có thể có lợi: lá lốt, kỷ tử, đỗ trọng, hạt sen, rắn…